Theo thông báo của UBND huyện Yên Mô, hiện nay trà lúa gieo cấy sớm đang giai đoạn đòng non, lúa đại trà đang giai đoạn phân hóa đòng. Nhìn chung, cây lúa sinh trưởng, phát triển khá tốt. Qua kết quả điều tra diễn biến dịch hại trên đồng ruộng của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho thấy một số đối tượng sâu bệnh hại đang phát sinh và có khả năng gây hại nặng trên các trà lúa.
Đáng chú ý nhất là rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 2 và sâu cuốn lá nhỏ lứa 2. Trong đó, rầy cám lứa 2 đang bắt đầu nở rộ và tiếp tục nở đến ngày 22/4. Dự kiến mật độ rầy nở hết lứa trung bình 800 con/m2, nơi cao 1.500-3.000 con/m2, cá biệt có ổ 4.000-5.000 con/m2.
Tập trung chủ yếu ở các xã Yên Lâm, Yên Mạc, Khánh Thịnh… với quy mô mức độ hại cao hơn vụ đông xuân năm 2018. Nếu không phát hiện và phun trừ kịp thời, rầy sẽ làm đỏ lúa từ sau ngày 25/4 trở đi, ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng, phát triển và năng suất lúa cuối vụ. Sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 cũng phát sinh và nở rộ với mật độ trung bình 25 con/m2, có nơi lên đến 50-60 con/m2, gây hại rộng trên các trà lúa.
Dự kiến sâu cuốn lá lứa 3 sẽ nở rộ từ ngày 24-30/4 có thể gây hại rộng, làm sơ trắng bộ lá đòng trên trà lúa trỗ sau ngày 5/5 trở đi. Bên cạnh đó, bệnh khô vằn, đạo ôn cổ bông đã phát sinh và gây hại trên những diện tích lúa gieo cấy dày, bón nhiều đạm. Ngoài ra, chuột tiếp tục gây hại trong thời gian tới. Bệnh đạo ôn cổ bông gây hại trên trà lúa trỗ trước ngày 5/5.
Theo bà Lê Thị Linh, Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Mô, trước tình hình các đối tượng rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn cổ bông có khả năng gây hại rộng trên các trà lúa, UBND huyện Yên Mô đã chỉ đạo các xã, thị trấn, HTX nông nghiệp, các đơn vị có liên quan đảm bảo đủ nước, bón hết lượng kali còn lại cho trà lúa gieo thẳng.
Đồng thời, phát động toàn dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, diễn biến các đối tượng sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời khi tới ngưỡng. Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 2 tiến hành phun trừ trên những ruộng có mật độ từ 2.000 con/m2 trở lên bằng một trong các loại thuốc nội hấp đặc hiệu; sâu cuốn lá nhỏ phun trừ trên những ruộng có mật độ sâu từ 20 con/m2 trở lên. Nên phun kết hợp thuốc trừ rầy, sâu cuốn lá nhỏ và bệnh khô vằn để tiết kiệm công phun, thời gian phun trừ từ ngày 18-22/4.
Để đối phó với diễn biến phức tạp của sâu bệnh, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông đã phân công cán bộ xuống cơ sở tăng cường kiểm tra đồng ruộng, nắm bắt tình hình, đôn đốc các HTX nông nghiệp hướng dẫn nông dân phun trừ các đối tượng dịch hại kịp thời, hiệu quả.
Đài truyền thanh huyện, đài truyền thanh các xã, thị trấn tăng cường thời lượng đưa tin về kỹ thuật phòng, trừ sâu bệnh kịp thời để nhân dân biết và thực hiện có hiệu quả. Các địa phương đang tích cực kiểm tra đồng ruộng và thông báo cho bà con nông dân phun trừ khi tới ngưỡng.
Xã Khánh Thượng là một trong những địa phương có diện tích lúa khá lớn của huyện với trên 447 ha, trong đó chủ yếu là lúa chất lượng cao và lúa thuần, lúa nếp các loại. Tuy nhiên, qua kiểm tra đồng ruộng nhiều diện tích lúa xuân của xã có một số đối tượng sâu bệnh đang phát sinh và gây hại trên tất cả các trà lúa như: rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn lá, bệnh khô vằn thối thân.
Ông Ngô Xuân Hanh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Để phòng trừ sâu bệnh, các HTX nông nghiệp thường xuyên cử cán bộ kiểm tra đồng ruộng, phối hợp với thông báo của huyện để tính toán thời điểm phun trừ kịp thời và hiệu quả.
Từ khi phát hiện sâu bệnh, UBND xã đã ra thông báo và đài truyền thanh của xã liên tục thông tin cho nhân dân về tình hình phát sinh các loại sâu, bệnh, khuyến cáo bà con nông dân những loại thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả. Hiện nay, bà con đang tập trung phun trừ theo thông báo và hướng dẫn đảm bảo hiệu quả và an toàn, không để diện tích nhiễm sâu bệnh lan rộng.
Bác Nguyễn Văn Cương, xóm 6, Chợ Bến cho biết: Từ đầu vụ đến nay thời tiết rất thuận lợi, nắng ấm liên tục đã tạo điều kiện tốt để bà con nông dân đẩy nhanh tiến độ gieo cấy, chăm sóc, giúp cho lúa sinh trưởng và phát triển nhanh. Tuy nhiên, thời tiết nắng ấm và có ẩm cũng là điều kiện để các loại sâu bệnh phát sinh gây hại trên lúa.
Qua kiểm tra đồng ruộng, gia đình tôi phát hiện có 5 sào lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn và khô vằn. Theo hướng dẫn của HTX nông nghiệp và thông báo của xã, gia đình tôi đã tổ chức phun trừ bằng các loại thuốc đặc hiệu theo đúng quy trình kỹ thuật, tránh ô nhiễm môi trường.
Trong thời gian tới, huyện Yên Mô tiếp tục chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông phối hợp chặt chẽ với các HTX nông nghiệp tăng cường theo dõi diễn biến tình hình sâu bệnh để có những biện pháp phòng trừ kịp thời, tránh ảnh hưởng tới năng suất lúa cuối vụ. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các điểm buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn người nông dân mua đúng, đủ các chủng loại thuốc nhằm phòng trừ sâu bệnh hiệu quả và bảo vệ môi trường.
Theo Baoninhbinh.org.vn
Dữ liệu đang được cập nhật
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?
Trực tuyến: 26
Hôm nay: 144
Hôm qua: 0