Thứ năm, 21/11/2024

Nho Quan quan tâm xây dựng nông thôn mới bền vững

Thứ sáu, 10/05/2019

Tiếp tục quán triệt quan điểm chỉ đạo xây dựng nông thôn mới phải kiên trì, thường xuyên, liên tục; mục tiêu xây dựng nông thôn mới là phục vụ nhân dân, là sự nghiệp của dân, do dân, người dân phải thực sự là chủ thể, do đó trong năm 2018, chương trình xây dựng nông thôn mới được huyện Nho Quan lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện theo hướng chuyển dần từ lượng sang chất.

Trên tinh thần đó, huyện quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển hạ tầng KT-XH, bằng các nguồn vốn lồng ghép toàn huyện đã xây dựng 509 tuyến đường trục thôn, đường ngõ xóm với tổng chiều dài 39 km; đào đắp, nạo vét 100.000m3 kênh mương, thủy lợi nội đồng, kiên cố hóa 15km kênh mương, đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra bằng các nguồn vốn lồng ghép và nguồn thủy lợi phí.

Trong quá trình xây dựng NTM, Điện lực Nho Quan và các xã trong huyện thường xuyên phối hợp chặt chẽ nhằm hoàn thành và duy trì hiệu quả, chất lượng tiêu chí điện. Nhờ đó, hệ thống lưới điện cũng như chất lượng điện áp ở khu vực nông thôn, nhất là các xã đăng ký về đích NTM đã được cải thiện đáng kể. Các trường học tiếp tục chỉnh trang và hoàn thiện cơ sở vật chất để đảm bảo đạt chuẩn theo quy định. Đối với cơ sở vật chất văn hóa, đã hoàn thiện hồ sơ các hạng mục theo quy định, hoàn thiện xong nhà văn hóa xã Sơn Thành, Gia Thủy, Sơn Lai.

Trong xây dựng nông thôn mới, huyện đặc biệt quan tâm phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Do đó, huyện chỉ đạo thực hiện các giải pháp đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; tiếp tục tập trung phát triển các ngành hàng chủ lực trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp, mạnh dạn chuyển đổi, áp dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến gắn sản xuất với tiêu thụ, từng bước xây dựng nhãn hiệu nông sản. 

Hiện đã có mô hình gieo thẳng tại xã Thạch Bình; mô hình cơ giới hóa sử dụng máy gieo thẳng và bón phân tại xã Quảng Lạc và Quỳnh Lưu; mô hình nuôi bò đực giống lai Sind tại xã Thạch Bình, Xích thổ, Phú Lộc…; mô hình sử dụng dê đực giống lai Boer để phát triển đàn dê theo hướng thịt tại xã Văn Phú; mô hình nuôi thỏ ở Gia Tường. 

Bên cạnh đó còn có mô hình nuôi gà Dabaco ở xã Xích Thổ và các mô hình chăn nuôi gia cầm phát triển mạnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao như: mô hình Tổ hợp tác chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học tại xã Đồng Phong (chủ yếu là gà lai Đông Tảo) có 12 tổ viên với trung bình mỗi hộ nuôi từ 1.000-3.000 con/lứa; trang trại nuôi gà đẻ siêu trứng của ông Bùi Văn Quế, xã Gia Lâm với quy mô 4 vạn con... 

Ngoài ra còn có các mô hình nuôi trồng thủy sản, cải tạo vườn tạp, cơ cấu lại cây trồng theo hướng phát huy lợi thế của từng loại cây trồng, phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng.

Chủ trương tích tụ ruộng đất cho doanh nghiệp thuê để sản xuất được quan tâm chỉ đạo đạt kết quả tốt. Huyện đã phối hợp với các sở, ngành của tỉnh và Công ty TNHH Sữa dê Ninh Bình khảo sát quỹ đất lập dự án sản xuất chế biến sữa dê chất lượng cao trên địa bàn huyện, trong đó đã khảo sát xong các vị trí để thực hiện 4 dự án với tổng diện tích khoảng 210ha. 

Đó là: Dự án trang trại nuôi dê tại khu vực Thung Mai, thuộc các xã: Phú Sơn, Thạch Bình, Gia Tường, Lạc Vân, diện tích khoảng 85ha; dự án nhà máy chế biến sữa dê tại xã Lạc Vân, diện tích khoảng 6,5ha; dự án xây dựng cụm 3 nhà máy tại xã Lạc Vân và Lạng Phong, tổng diện tích khoảng 68,5ha (trong đó có Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi khoảng 10ha; Nhà máy chế biến thịt dê đóng hộp khoảng 24ha; Nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng từ con dê, khu nuôi khảo nghiệm con giống và khảo nghiệm thức ăn khoảng 34,5ha) và dự án Nhà máy chế biến thức ăn thô và Nhà máy chế biến phân vi sinh tại xã Thạch Bình và xã Gia Tường, diện tích khoảng 50ha.

Song song với đó, huyện triển khai tổ chức lại sản xuất, phát triển kinh tế hợp tác, tập trung nâng cao năng lực cho các đối tác tham gia trong chuỗi liên kết như doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại và nông dân. Đồng thời tiếp tục củng cố 30 HTX, tổ hợp tác nông nghiệp hoạt động theo Luật HTX 2012 và 73 trang trại, 813 gia trại.

Theo đồng chí Trịnh Đức Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan: Do tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, năm 2018 kinh tế của huyện tăng trưởng khá; tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 13,4%, tăng 0,71% so với kế hoạch; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản đạt 34,17%; thương mại và dịch vụ đạt 38,03%; nông, lâm, thủy sản đạt 27,8%. 

Thu nhập bình quân 33,7 triệu đồng/người/năm, tăng 1,7 triệu đồng so với kế hoạch đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều toàn huyện còn 4,65%, giảm 0,97% so với năm 2017. Bên cạnh đó, các tiêu chí thuộc lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường cũng được nâng cao: trường học các cấp trên địa bàn các xã giữ vững tiêu chí đạt chuẩn quốc gia; duy trì xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% người dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; duy trì thực hiện tốt phong trào của các đoàn thể...

Đến hết năm 2018, huyện có 16 xã đạt 19 tiêu chí, 10 xã đạt 13 đến 16 tiêu chí, không có xã nào đạt dưới 13 tiêu chí nông thôn mới. Huyện phấn đấu đến hết năm 2019 có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 18/26 xã. Số tiêu chí bình quân/xã đạt 17,8 tiêu chí/xã; tỷ lệ số xã đạt từ 14 -17 tiêu chí khoảng 40%; không có xã đạt dưới 13 tiêu chí. 

Bên cạnh đó tiếp tục xây dựng xã Đồng Phong trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu và 13 thôn phấn đấu thôn nông thôn mới kiểu mẫu; phấn đấu nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn: Thu nhập tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế tăng... đảm bảo theo đúng kế hoạch đặt ra, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.

Theo Baoninhbinh.org.vn

Truyền thanh

Dữ liệu đang được cập nhật

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
70748

Trực tuyến: 26

Hôm nay: 153

Hôm qua: 0