Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.
Cùng dự có lãnh đạo Sở NN & PTNT 10 tỉnh đồng bằng sông Hồng gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình và một số doanh nghiệp, tổ chức thu mua, tiêu thụ nông sản trong cả nước.
Tại hội nghị, đại diện các Sở Nông nghiệp & PTNT các tỉnh đã đưa ra những con số về sản lượng, chủng loại rau vụ đông, đặc trưng của địa phương mình đồng thời mong muốn kết nối, tìm đầu ra cho bà con nông dân. Nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 đầu ra của nông sản nói chung và cây rau vụ đông nói riêng có nhiều biến động, ảnh hưởng đến tiêu thụ của bà con.
Riêng với tỉnh Ninh Bình, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh cho biết: Tuy diện tích vụ đông không lớn so với một số tỉnh trong khu vực, với phương châm "Hướng vào giá trị làm mục tiêu sản xuất", Ninh Bình tiếp tục phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, dễ tiêu thụ như: Ngô, bí xanh, đậu tương, trạch tả và rau màu cao cấp...
Tổng diện tích gieo trồng vụ đông 2021 toàn tỉnh đạt được 5.138,4 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Yên Khánh, Yên Mô, Nho Quan. Dự kiến giữa tháng 12 đến hết tháng 2 năm sau là thời điểm thu hoạch tập trung các sản phẩm này.
Ngoài ra, hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn có 26 sản phẩm OCOP cấp tỉnh của 18 cơ sở sản xuất đã được đánh giá, phân hạng trong năm 2019 và năm 2020. Trong đó, có 21 sản phẩm hạng 4 sao, 5 sản phẩm hạng 3 sao. Các sản phẩm này đều chú trọng đầu tư sản xuất an toàn, xây dựng nhãn mác, bao gói, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.
Tuy nhiên do tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp nên phần lớn các chủ thể sản phẩm OCOP trong tỉnh đều đang gặp khó khăn trong tiêu thụ. Ninh Bình sẵn sàng hợp tác, liên kết với các thành viên, đơn vị trong khu vực và trên phạm vi toàn quốc để liên kết đầu tư, sản xuất, tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân.
Ở đầu kênh thu mua, đại diện một số doanh nghiệp, đơn vị phân phối nhận định, nông sản của bà con nông dân hiện nay đã cải thiện được chất lượng nhưng vẫn yếu về sơ chế, đóng gói.
Một số ý kiến đề nghị: các địa phương cần đầu tư hơn vào sơ chế, đóng gói hoặc tốt hơn là chế biến sâu để đáp ứng được tiêu chuẩn cho các nhà mua. Ngoài ra, cần có sự liên kết các vùng trồng để xác định khả năng cung ứng, thị trường tiêu thụ, từ đó xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp.
Hơn nữa, để đưa hàng vào hệ thống phân phối, sản phẩm phải được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, mẫu mã, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn, theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ…
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh: vụ đông là vụ đặc trưng và quan trọng nhất của đồng bằng sông Hồng, chất lượng nông sản cây vụ đông ngày càng nâng lên. Tuy nhiên, sản phẩm tươi, tiêu thụ trong một thời gian ngắn, đặt ra các vấn đề trong tiêu thụ và sơ chế, chế biến.
Do đó, bên cạnh việc ký kết các biên bản ghi nhớ giữa các doanh nghiệp phân phối và sản xuất sẽ giúp đầu ra được ổn định, cần xây dựng chương trình kết nối nông sản an toàn vụ đông tới các trang trại, doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp cung cấp thực phẩm cho các khu công nghiệp.
Ngoài ra, cần tạo một hành lang nông sản an toàn và tiếp tục mở rộng thị trường nông sản trong nước cũng như quốc tế. Với sản phẩm hữu cơ, Thứ trưởng Nam cho biết: Nhu cầu về sản phẩm này sẽ tăng, Bộ đang nghiên cứu thêm các tiêu chuẩn, rất mong các doanh nghiệp tham gia. Bộ sẽ ký kết với tỉnh Thừa Thiên- Huế về chương trình nông nghiệp hữu cơ và sắp tới là các tỉnh miền Trung, miền Bắc.
Trong khuôn khổ của hội nghị đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, sản phẩm OCOP và rau vụ đông các tỉnh đồng bằng sông Hồng với chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh về việc tiêu thụ sản phẩm.
Theo baoninhbinh.org.vn
Dữ liệu đang được cập nhật
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?
Trực tuyến: 25
Hôm nay: 170
Hôm qua: 0