Hộ nuôi thủy sản của HTX Mai Sơn, xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn đang bơm thoát nước để bảo vệ diện tích nuôi trồng thủy sản.
Với địa hình tự nhiên, thường gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, mỗi khi có mưa lớn hoặc bão lũ xảy ra, huyện Gia Viễn luôn chịu ảnh hưởng nặng nề. Vì vậy, trước đó, công tác ứng phó với cơn bão số 7 đã được huyện triển khai tích cực. Thông tin về cơn bão số 7 được cập nhật sớm và thường xuyên đến các cấp chính quyền, người dân, nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng trũng, hộ nuôi trồng thủy sản, để bà con chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh. Các địa phương cũng phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi triển khai tiêu nước đệm trong đồng, có kế hoạch hạ thấp mực nước hồ một cách hợp lý để đảm bảo an toàn cho các công trình và phục vụ sản xuất.
Thời điểm này, huyện Gia Viễn thu hoạch được 40% diện tích lúa (toàn huyện là 2.500 ha lúa mùa). Các cấp, các ngành đôn đốc chỉ đạo, tập trung nhân lực, máy móc, thu hoạch nhanh gọn diện tích lúa mùa theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng".
Qua kiểm tra thực tế, đồng chí Hoàng Mạnh Hùng, Bí thư Huyện ủy Gia Viễn nhấn mạnh: Hiện nay, cùng với diện tích đang sắp cho thu hoạch, Gia Viễn còn 2.300 ha nuôi trồng thủy sản, nếu để mưa lũ, làm tràn bờ thì thiệt hại về kinh tế là rất lớn. Do vậy, địa phương đặc biệt chú trọng tuyên truyền để người dân nắm được tình hình mưa bão, chủ động các biện pháp che chắn, bảo vệ diện tích nuôi trồng thủy sản.
Sáng 16/10, chúng tôi về tìm hiểu tình hình mưa úng ở một số xã vùng hữu sông Hoàng Long. Xã Gia Sinh, Gia Lạc - là 2 địa phương ở vùng rốn nước của phía Bắc sông Rịa, nơi có công trình thủy lợi Âu Lê. Cũng vì thế, khi có mưa là lượng nước từ vùng rừng núi Cúc Phương, các xã Thượng Hòa Thanh Lạc, Sơn Thành, Gia Minh dồn về, nên chỉ sau khi mưa nửa ngày là nước dâng lên rất nhanh.
Ông Lê Văn Luật và Lê Văn Lễ ở xóm 1 Lương Sơn, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn nhanh chóng dựng lưới chắn bảo vệ diện tích nuôi cá.
Hộ anh Lê Văn Luật và Lê Văn Lễ ở xóm 1 Lương Sơn, xã Gia Sinh cho biết: anh em trong nhóm nuôi cá suốt cả đêm qua túc trực theo dõi diễn biến của lượng mưa và sáng nay tập trung rà soát bờ vùng, bờ quai, che, chắn lưới bảo vệ diện tích cá vụ mùa sắp cho thu hoạch.
Anh Luật cho biết thêm, xã Gia Sinh đã tiến hành dồn điền đổi thửa từ năm 2014, hình thành nên những thửa ruộng lớn. Do diện tích trũng nên chỉ có vụ đông xuân người dân mới tập trung cấy lúa. Còn vụ mùa nhiều hộ không cấy, chỉ có một số người nhận thầu ruộng, tổ chức quai bờ, nuôi cá ngắn ngày. Đây là lứa cá sẽ cho thu hoạch cuối tháng 11. Cá nuôi ở thùng, vũng khi gặp nước lớn, chảy là tìm mọi cách đi hết. Nếu không sát sao trông, nom cận trọng… chỉ vài tiếng là cá theo nước mới ra sông hết. Đã có vụ, nhóm nuôi cá của anh bị mất trắng.
Trao đổi với nhiều chủ hộ nuôi thủy sản ở các xã Gia Sinh, Gia Lạc, Gia Minh được biết, mưa đã ngừng, nhưng nước vẫn chưa dừng dâng cao. Các địa phương tranh thủ tháo nước ra sông. Nếu còn mưa tiếp, khi đó, nước ngoài đê dâng cao hơn trong đồng, buộc tổ, đội thủy lợi của HTX phải vận hành máy bơm bảo vệ diện tích nuôi thả. Vì vậy trong 2- 3 ngày tới, các HTX, các tổ hợp tác, nhóm hộ còn phải trực, theo dõi diễn tiến của thời tiết, mực nước dâng… để bảo vệ diện tích thủy sản sắp cho thu hoạch
Được biết, các xã vùng hữu sông Hoàng Long, như xã Gia Lạc, Gia Phong, Gia Minh vụ mùa này còn rất ít diện tích lúa mùa. Ông Trần Văn Long, Giám đốc HTX Mai Sơn (xã Gia Lạc) cho biết: Trước đây HTX có 59 ha lúa mùa, nhưng vụ này chuyển sang nuôi trồng thủy sản ngắn ngày với diện tích 38 ha, diện tích còn lại làm lúa tái sinh (lúa chét). Đến nay, diện tích lúa chét đã cho thu hoạch.
Sau gặt lúa chét, diện tích này đang được các hộ xã viên nuôi thủy cầm, hoặc tiếp tục thả cá rô ngắn ngày, cho thu hoạch vào dịp cuối năm. Đến cuối tháng 11, diện tích thủy sản được thu hoạch, phải nhường lại để làm đất cấy lúa vụ đông xuân năm sau.
Từ ba, bốn năm nay, trên địa bàn huyện Gia Viễn có nhiều HTX nuôi trồng thủy sản hoạt động có hiệu quả. Hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện phát triển ổn định về diện tích, tăng dần về năng suất và sản lượng.
Nếu như năm 2017 là 1.700 ha, đến năm 2020 diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện Gia Viễn đã tăng lên 2.300 ha. Hàng năm sản lượng ước đạt 5.000 tấn, mang về giá trị khoảng gần 150 - 180 tỷ đồng. So với cấy lúa, nuôi thủy sản (nuôi cá), cho giá trị kinh tế cao hơn từ 3 - 5 lần.
Theo Baoninhbinh.org.vn
Dữ liệu đang được cập nhật
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?
Trực tuyến: 25
Hôm nay: 178
Hôm qua: 0